Golf – Môn thể thao “quý tộc”
Golf là môn thể thao “quý tộc” tại Việt Nam, người tham gia chủ yếu là các doanh nhân, chính trị gia quyền lực, những người giàu có. Họ coi việc chơi golf là dịp để mở rộng quan hệ, thể hiện đẳng cấp. Chi phí để chơi môn thể thao này có thể gọi là lớn đối với thu nhập bình quân của người Việt, nhất là đối với các hội viên hay dân chơi chuyên nghiệp như phải mua thẻ thành viên, trả phí hàng năm, phí chơi golf và phí phục vụ.
Chơi golf có mối liên hệ mật thiết với kinh doanh. Nhiều người đến với golf không chỉ bằng niềm đam mê và yêu thích môn thể thao này mà một phần cũng vì họ có thể tìm kiếm những cơ hội làm ăn, kinh doanh tại sân golf.
Hiện tại cùng với sự phát triển của kinh tế đất nước, nhiều người đã có điều kiện để làm quen và chơi golf. Các sân golf mới bắt đầu đi vào hoạt động, cùng với đó là sự ra đời của các Pro shop, sân tập golf mới và mới đây là chơi golf trên mô hình. Dường như golf đang có một bước chuyển mình mạnh mẽ tại Việt Nam. Song, ở Việt Nam thì golf chuyên nghiệp và golf bán chuyên nghiệp chưa phát triển nhiều. Việc phát triển golf phong trào giống như các buổi đi chơi dã ngoại thi đấu giao lưu, cũng như việc hướng tới các dịch vụ mang tính chất cộng đồng. Trong tương lai có thể hướng tới sẽ có các sân golf công cộng để phục vụ nhu cầu người chơi golf Việt Nam.
Sự lớn mạnh của các sân golf ở Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Phòng Nghiên cứu và Định giá, Công ty Tư vấn Bất động sản Colliers International Việt Nam, cả nước hiện có 27 sân golf đang hoạt động tại 17 tỉnh, thành phố; trong đó 7 sân tại miền Trung và 8 sân tại các tỉnh phía Nam. Việt Nam đang dần được biết đến như một điểm chơi golf có tiếng trong khu vực, nhờ vào chất lượng xây dựng, thiết kế, dịch vụ cùng nhiều tiện ích chơi golf ngày càng tốt hơn.
Theo Quyết định 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26/11/2009, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 89 sân golf gồm cả 27 sân đang hoạt động và tiếp tục mở rộng. Diện tích trung bình của mỗi sân golf là 112,2 ha, và đa phần các sân golf gồm 18 và 36 lỗ.
Quản lý điều hành sân golf – Nghề tiềm năng và thách thức
Cùng với xu hướng phát triển của môn thể thao golf thì nhân sự làm việc trong các sân golf cũng trở nên hút hơn bao giờ hết. Cơ hội làm việc với môn thể thao “quý tộc” này sẽ giúp các bạn kết nối với nhiều chính trị gia, doanh nhân và người nổi tiếng.
Yêu cầu đầu tiên của một nhà quản lý sân golf là phải có thể lực tốt, năng động và khả năng ngoại ngữ tốt. Nhân viên giám sát điều hành phải chịu trách nhiệm về thời gian golfer chơi trên sân đúng thời gian, điều hành khách xuất phát và kết thúc đúng giờ, giám sát công việc caddy phục vụ trên sân, đồng thời kiểm tra việc bảo trì sân cỏ.
Khi gia nhập vào đội ngũ nhân sự của một sân golf, nhân sự quản lý điều hành sân golf sẽ phải trải qua một khoá huấn luyện ngắn ở sân golf để nắm luật chơi. Bạn phải học từng chi tiết rất nhỏ như ngắm đường bay của bóng, đoán cách thức chơi cũng như sở trường của người chơi để phục vụ một cách tốt nhất. Không chỉ có các luật chơi, các thuật ngữ bằng tiếng Anh về golf cũng là một "bảng cửu chương" buộc các bạn phải ghi nhớ.
Khi Việt Nam đang dần khẳng định vị thế hàng đầu của mình về ngành du lịch golf so với các nước trong cùng khu vực thì lượng khách du lịch golf quốc tế mỗi năm đến nước ta ngày một tăng lên. Môi trường sẽ cạnh tranh hơn, đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp nói chung và nhân viên điều hành giám sát sân golf được đào tạo bài bản nói riêng sẽ góp phần mạnh sự phát triển của bộ môn golf trong thị trường khách trong nước cũng như ngoài nước.